NHÀ Ở SINH THÁI (Eco House)

 Khái quát về kiến trúc sinh thái

Kiến trúc sinh thái là kiến trúc hướng tới giải quyết mối quan hệ giữa con người, kiến trúc và thiên nhiên, nó phải vừa vì con người mà sáng tạo ra một môi trường không gian nhỏ dễ chịu vừa phải bảo vệ môi trường lớn chung quanh. Mục đích cao nhất của kiến trúc sinh thái  là giảm chất thải đối với môi trường trong cả quá trình từ thi công, sử dụng đến loại bỏ nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và không gây ô nhiễm đối với môi trường.

Nhà ở cổ truyền Việt – một sản phẩm sinh thái – lịch sử

Tổ chức không gian điển hình nhà ở Việt truyền thống: ngôi nhà + sân + vườn + ao, một cấu trúc sinh thái đặc trưng. Ngôi nhà chính bao gồm ba hoặc năm gian, nhiều khi thêm hai chái. Nhà là một không gian thống nhất, tạo điều kiện tối ưu cho không khí lưu thông, đặc biệt trong điều kiện khí hậu nóng ẩm. Hàng hiên và sân gạch là những nhân tố chuyển tiếp mềm, từ thiên nhiên vào nhà và ngược lại. Vườn không chỉ cung cấp rau quả, củi và vật liệu xây dựng; nó là phương tiện điều tiết khí hậu trong khuôn viên nhà. Ao là một phát minh kỳ lạ về mặt sinh thái của văn minh cư trú Việt: Đào ao lấy đất đắp nền, lấy nơi thả bèo và thả cá; tắm giặt, thoát nước mưa, làm mát không khí. Cấu tạo nhà ở Bắc Bộ và Nam Bộ có sự khác biệt: Nhà ở phía bắc có kết cấu bao che lưỡng tính, bởi nó phải vừa mở tối đa vào mùa hạ và lại vừa khép kín ở chừng mực có thể vào mùa đông. Trong khi đó, kết cấu bao che của nhà ở phía Nam lại mỏng manh, bổn phận của nó chỉ thuần túy che mưa chắn nắng và cản trở mắt nhìn của đồng loại. Như vậy, không gian nhà Việt cổ truyền được triển khai theo sơ đồ khép. Cuộc sống cũng diễn ra theo sơ đồ khép. Đầu vào và đầu ra cùng một nơi. Mọi chất thải đều tiêu tan tại chỗ hoặc ngay trên cánh đồng làng. 

Nhà ở hôm nay

Căn nhà ở hiện đại, tiện nghi tưởng như bội phần, lại đang đối mặt chính diện với những vấn đề sinh thái, những lo âu và tính toán sinh tử. Thiên nhiên trong vòng một thế kỷ qua biến đổi một cách cơ bản. Tài nguyên cạn kiệt nhanh. Đất đai bị chiếm dụng và cảnh sắc thiên nhiên biến dạng. Các thông số cơ bản của khí hậu đã thay đổi. Sự cân bằng sinh thái đang bị phá vỡ. Cơ chế những đô thị to nhỏ và những đô thị khổng lồ chiếm lĩnh vị trí từng có của không gian ở cổ truyền, tạo ra hững hệ thống quan hệ không gian mới, những khái niệm tỷ lệ xích mới.

Căn nhà ở – tổ ấm đánh mất vị trí, trở thành hạt nhân nhỏ bé, lọt thỏm trong những cơ thể đô thị siêu nhân – những cỗ máy mà bản thân con người không dễ bề chế ngự. Ở đô thị, dù là chung cư hay nhà chia lô, nhà ở đang trở thành những cái hộp khép kín, nhờ cậy chủ yếu vào các phương tiện máy móc hao tốn điện năng để
tạo nên độ dễ chịu. Các kiến trúc sư và những người làm nhà nói chung đang lãng quên dần hoặc không đoái hoài đến những ưu việt của thiên nhiên, những giải pháp và thủ pháp thông thường nhằm kéo thiên nhiên xích lại gần để tận hưởng nó. Họ thiết kế nhà ở mà quên mất địa chỉ của nó..

Nhà ở sinh thái – những ý tưởng

Xây dựng nhà ở sinh thái không chỉ phụ thuộc bởi các giải pháp kiến trúc và giải pháp kỹ thuật cho bản thân ngôi nhà, mà còn phụ thuộc nhiều hơn bởi những cục diện mang tính vĩ mô. Trước hết, nhà ở sinh thái phụ thuộc vào thái độ của chúng ta đối với thiên nhiên thể hiện ở những quan điểm mang tính chiến lược sau đây:

– Kiến trúc cộng sinh với thiên nhiên: Cần coi kiến trúc, hiểu theo nghĩa rộng, là tài nguyên thứ hai sau thiên nhiên; kiến trúc phải hòa đồng với thiên nhiên, lấy sự thích ứng và ứng phó mềm làm phương châm trong ứng xử với thiên nhiên; đặt các hoạt động kiến trúc vào nhiệm vụ trọng đại là chữa trị và ở mức độ có thể; hồi phục thiên nhiên.

– Kiến trúc giảm thiểu phí tổn năng lượng: Hạn chế tối đa việc sử dụng các phương tiện và thiết bị kỹ thuật tiêu tốn năng lượng điện, tận dụng tối đa các giải pháp và thủ pháp truyền thống tạo lập tiện nghỉ khí hậu; khai thác tối đa các nguồn năng lượng tự nhiên; hướng cuộc sống con người trở lại đần với các điều kiện tự nhiên.

– Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên: Sử dụng tài nguyên đất đai và sinh thái một cách dè xẻn, dành cho các thế hệ mai sau; hạn chế khai thác và cạn kiện hóa các vật liệu và nguyên liệu tự nhiên; tăng cường khả năng tái sử dụng vật liệu; hạn chế tối đa việc “khai tử hóa” các vùng đất bởi sự biến chung thành những bãi thải chất rắn, giết chết mọi sự sống.

Đồng thời, nhà ở sinh thái chỉ có thể mang tính khả thi khi các đô thị, các khu dân cư được cải tạo, được quy hoạch xây dựng theo những quan điểm và bài bản của kiến trúc sinh thái. Các hạt nhân nhà ở không thể nào cải thiện đáng kể các điều kiện tiện nghi khí hậu vì tiện nghi sống trong một đô thị bị ô nhiễm, bị suy thoái về phương diện môi trường. Chúng ta xây dựng các kế hoạch và quy hoạch cải tạo, hiện đại hóa các đô thị, song trong những nội dung ấy ít thấy đề cập tới việc hồi phục quỹ thiên nhiên cảnh quan. Đã đến lúc con người cần quan tâm đến vấn đề ” Về với và sống cùng thiên nhiên”.

– Lê Trần Xuân Trang –

Hỏi và đáp (0 bình luận)