Phong thủy hố ga hầm phân trong nhà phố | “Đầu ra” ở đâu?

Nhà ở cũng tương tự cơ thể sống, có nạp vào thì ắt phải có thải ra, chỉ cần hệ thống thoát nước, hầm phân, hố ga gặp trục trặc thì sẽ không thể sinh hoạt được. Trong địa lý cổ truyền, việc phóng thủy cũng quan trọng không kém khai môn (mở cửa), nếu phóng thủy sai, cơ cấu bố trí của toàn ngôi nhà sẽ bị bất ổn.

Vị trí phù hợp khi đặt hầm tự hoại, tiện cho bảo trì, sửa chữa

Vấn đề tác xí (đặt khu vệ sinh, hầm phân, hố ga thoát nước thải…) trong phong thủy được tiền nhân đúc kết theo nguyên tắc hung gặp hung để hóa giải hung khí. Vùng hung trong không gian nhà được định nghĩa là khu vưc ít ưu tiên hơn về sinh hoạt so với các khu chính khác như phòng khách, bếp ăn, phòng ngủ. Do vậy vị trí phù hợp để đặt “đầu ra” cho nhà (tương đương với các khu vực nhà vệ sinh, hầm phân tự hoại…) nên nằm ở các vùng hung đó. 
Theo các tài liệu về bát trạch thì vùng hung của mỗi nhà mỗi khác, tùy theo tuổi của gia chủ và hướng của nhà mà xác định dựa theo la bàn và nguyên tắc: gia chủ thuộc đông tứ mệnh thì vùng hung là vùng thuộc nhóm tây tứ trạch (tây bắc, tây nam, chính tây và đông bắc). Ngược lại cũng vậy, các gia chủ thuộc tây tứ mệnh sẽ đặt khu vệ sinh, hầm phân về các hướng thuộc đông, đông nam, chính nam và chính bắc. Tuy nhiên còn phải xem xét sơn hướng cụ thể trong từng hướng vừa nêu để tránh phạm cung xấu, tránh va chạm với các thành phần chức năng khác.
Một số nhà biệt thự hay nhà vườn rộng có diện tích khuôn viên bao quanh hay đưa hầm phân, hố ga ra hẳn bên ngoài phần diện tích xây nhà (dĩ nhiên vẫn đảm bảo nguyên tắc tọa hung như kể trên) nhằm giúp chủ động hơn trong xử lý kỹ thuật, giảm thiểu ảnh hưởng xấu vào ngôi nhà chính. Ngoài ra, không nên đặt hầm phân hố ga ngay sát hồ chứa nước ngầm sinh hoạt, cũng như không nên đi đường ống thoát nước thải bên dưới vị trí đặt bếp nấu, bởi bếp thuộc hỏa, cần tránh bị thủy tương khắc, khi trục trặc phải sửa chữa sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, mất vệ sinh. 
Nguyên tắc tọa hung nêu trên cũng có thể hiểu nôm na là “tốt khoe xấu che”, bởi nếu vị trí thoát nước nằm ngay mặt tiền, hộp gen thọc xuống phòng khách, hố ga trong khu vực bàn ăn… thì chắc chắn quá trình sử dụng sẽ phải có lúc bảo trì, sửa chữa, gây bất tiện cho sinh hoạt, thiếu thẩm mỹ chung. Vấn đề “xấu che” này cũng không mâu thuẫn với việc thiết kế phòng vệ sinh thoáng đãng, là nơi thư giãn thú vị, bởi liên quan chặt chẽ đến xử lý kỹ thuật sao cho tiện dụng nhất, chứ không phải là “nhét” khu vệ sinh vào nơi khuất lấp tối tăm. 
Đặc điểm của hệ thống thoát nước thải thông thường là cần có độ dốc đường ống thích hợp để dễ dàng tiêu thoát, do đó không phải vô cớ mà phong thủy coi trọng việc đắp đất nền nhà cao, khi vào nhà càng ra phía sau (nếu có thể) càng nên cao dần lên (còn gọi là “nở hậu” theo chiều cao) để đảm bảo các phần tiêu thoát nước (cả nước sinh hoạt lẫn nước mưa) đều có thể thuận lợi hơn. Việc tránh làm nhà trước cao sau thấp cũng là để tránh gây ra các khoảng thấp trũng, tù đọng uế khí tại không gian sinh hoạt bên trong nhà.
Ở nhà phố, nhà ống hẹp, hầu như hầm phân không thể “chạy” đi đâu được, do vậy từ đầu lúc bố trí nên lưu ý đến vị trí hầm phân sao cho tránh nằm ngay bên dưới bếp hoặc phòng khách. Tốt hơn cả là hầm phân nằm gần vị trí gầm cầu thang hay vệ sinh dưới trệt, có nắp thăm được bố trí khuất, tiện cho tập trung hệ thống ống dẫn từ các lầu xuống. Một số nhà hiện nay dùng tầng trệt phía trước để xe thì hầm phân có thể nằm dưới nền nhà xe. Những quy định về vị trí đặt hầm phân nếu có thể tuân thủ chặt chẽ theo bát trạch thì tốt, còn nếu không, cần cố gắng giảm thiểu các vị trí xấu, ưu tiên các vị trí thuận tiện cho không gian chính, chọn lựa các vị trí ít sử dụng, khuất nẻo để bố trí trên quan niệm “đa cát thắng thiểu hung” (nhiều cái tốt sẽ lấn át ít cái xấu) để giúp phong thủy của ngôi nhà hài hòa hơn.

Để “ngụy trang” nắp hầm tự hoại có thể bố trí tiểu cảnh nho nhỏ nơi góc phòng

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *