Chọn màu sơn nhà theo phong thủy hợp mạng

Hiện nay chọn màu sơn rất được quan tâm không chỉ ở xu hướng thẩm mỹ hay kỹ thuật, mà còn mở rộng ra chuyện hợp phong thủy. Màu nào hợp tuổi, màu nào xung khắc, bởi mỗi nhà một hoàn cảnh, một quan niệm riêng về cách dùng màu, cần xem xét toàn diện về công năng và phong thủy.

Bảng màu từ truyền thống đến hiện đại
Nhà Việt ở nông thôn trước đây khi chưa đô thị hóa nhiều, màu sắc của không gian là bảng màu của vật liệu và thiên nhiên chung quanh, ít phối kết nhiều màu như chất liệu công nghiệp sau này. Người xưa chọn theo yếu tố ngũ hành của không gian và chất liệu, chứ không theo tuổi từng người, trong đó màu vàng của vôi, rơm, đất,… ứng với hành thổ khá phổ biến. Màu xanh cây lá chung quanh và màu gỗ thuộc mộc cũng rất được chuộng. Màu ngói đỏ, màu sơn son là hỏa, còn hai màu trắng (kim) và đen (thủy) ít dùng, với lý do tâm linh, được cho là những màu thể hiện cho bệnh dịch, tang tóc, xung sát.
Cư dân Việt thuộc vùng nông nghiệp lúa nước nên dùng “bảng màu” mộc mạc thể hiện các giá trị văn hóa – đời sống thuận theo tự nhiên được người Việt gắn bó và xem trọng. Bảng màu tự nhiên này cũng phổ biến ở khu vực Đông Nam Á trong kiến trúc Thái Lan, Indonesia, Malaysia… khá phù hợp với công trình vùng khí hậu nhiệt đới ẩm mưa nhiều, tùy theo tôn giáo và vùng miền mà có thêm những nhấn nhá khác biệt
Khi có giao lưu với văn hóa Tây phương thì cách dùng màu hòa sắc hiện đại dần phổ biến. Hiện nay, màu sắc trong nhà theo tư duy phân tích, chia theo độ tuổi và giới tính, phong phú rực rỡ hơn với không gian cho tuổi thanh thiếu niên, và nhẹ nhàng dần khi gia chủ bước vào tuổi trung niên, đồng thời cộng thêm yếu tố thời trang, văn minh, thậm chí rất cá tính lạ mắt.

Ví dụ về không gian riêng của gia chủ mệnh thủy với cách phối màu trắng đi cùng xanh biển và tím khá hiện đại, ấn tượng, hợp ngũ hành 

Tìm kiếm hài hòa chung – riêng
Gần đây đa số nhà cửa đã bắt đầu phổ biến kiểu gam phối màu trung tính (neutral) trong đó màu trắng – xám làm chủ đạo có thêm các màu khác điểm xuyết được xem là giải pháp trung hòa. Xét về phong thủy thì đó là cách chọn màu dung hòa, ví dụ gia chủ mệnh thủy sẽ tương sinh với kim và mộc nên có thể thêm ánh xanh lá (mộc), xanh biển nhạt (thủy) vào tông trắng xám (kim). Việc dùng màu từ gốc trung tính sẽ trở nên dễ dàng hơn, bởi một mặt gia chủ vẫn có được sắc màu mình hợp, mình thích, mặt khác, không có màu nào sử dụng theo kiểu đơn sắc nguyên thủy, mà đều pha trộn, phối kết theo hướng hiện đại hơn.
Việc cảm thấy tốt hay xấu (cát – hung) về tâm lý là sự thoải mái cho người cư ngụ, chứ không chỉ hấp dẫn thị giác đơn thuần. Xem xét màu sắc trong bối cảnh không gian sử dụng có giúp người cư ngụ cảm thấy dễ chịu, thoải mái hay không, vì vậy khi gia chủ xác định mình thấy dễ chịu với màu vàng kem chẳng hạn thì nên tôn trọng sở thích đó bằng cách dùng có cân nhắc tùy theo khu vực, chứ không nên cực đoan áp đặt toàn bộ, hoặc chạy theo một màu nào đó đang thời thượng.
Nguyên lý ngũ hành xác định: các màu đều có nhóm tương sinh và tương khắc cùng nhau, nếu dùng chỉ thuần một màu sẽ dẫn đến nội thất đơn điệu hoặc thiên lệch. Đồng thời mỗi màu lại phải tuân thủ theo ngũ hành và âm dương của không gian nữa. Ví dụ, màu vàng kem thuộc thổ, dương tính, khi dùng tại phòng ngủ cần được làm êm dịu hơn, thêm mộc và thủy bằng cách phối với các màu hoặc chất liệu trầm như gỗ, vải, rèm, thảm… để tạo sự dịu nhẹ, dỗ yên giấc nồng. Ngược lại, khi dùng màu vàng kem tại không gian sinh hoạt chung, nơi tiếp khách thiên về dương, thổ và hỏa cần tăng thì có thể bổ sung các màu tươi tắn, nổi bật, màu kim loại hay màu của thiết bị, vật trang trí để kích thích thị giác hơn.

Các sắc độ khác nhau của màu trắng và vàng kem giúp nội thất có độ hấp dẫn và hiện đại

Dùng màu tôn trọng không gian, mệnh chủ
Việc vận dụng đặc tính về màu sắc của ngũ hành làm tăng cát và giảm hung cho không gian trên cơ sở tìm hiểu đặc tính không gian nào tương ứng với hành nào, chứ không đơn thuần là người mệnh gì thì tương hợp với nhóm màu nào, cụ thể như sau:
– Hành mộc: những không gian liên quan đến sự nuôi dưỡng, ẩm thực, nơi có cây cối, đồ gỗ, tranh ảnh, chỗ nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng.
– Hành hỏa: không gian tâm linh, có nhiều năng lượng, nơi chế biến thức ăn, tỏa nhiệt, phòng có nhiều đồ đạc xưa, dưới mái ngói.
– Hành thủy: các không gian dùng nhiều nước, mềm mại, tính âm nhiều như phòng tắm, hàng hiên, nơi giải trí như phòng nghe nhạc, xem phim (kim – thủy phối nhau) các vị trí gắn gương và kính mở rộng.
– Hành thổ: các vị trí giao tiếp trang trọng, trung hòa, khoảng giữa nhà và sân trong, vật liệu nguồn gốc từ đất, đồ gốm… Màu vàng kem về cơ bản là hành thổ, ngỡ như khắc mệnh thủy, nhưng thực ra khi yếu tố trắng nhiều hơn (chứ không vàng tươi như màu vôi trong nhà Pháp hồi xưa) thì thổ sẽ giảm mà tính kim (sinh thủy) được gia tăng.
– Hành kim: phòng làm việc, nhiều thiết bị, vật dụng kim khí điện máy, trang trí lấp lánh, phản quang… khi dùng màu trắng cần biến tấu cho bớt độ chói.
Cần tránh tình trạng dùng đơn màu hay quá nhiều màu gây phản cảm, cho dù màu ấy có hợp mệnh đi chăng nữa. Trong triết lý về ngũ hành luôn thể hiện tính xoay vòng, chồng chéo và bổ trợ cho nhau, chứ không có hành nào là chủ đạo, cũng như cơ thể chúng ta là tiểu vũ trụ tập hợp đầy đủ ngũ hành. Do đó, các lập luận theo kiểu “gia chủ mạng thủy phải sơn phòng màu đen và xanh biển” là thiên lệch, không đúng tinh thần triết lý Đông phương luôn xem trọng sự hài hòa và tương trợ.
Tất nhiên theo nguyên tắc sinh khắc ngũ hành thì vẫn có hành tương hòa với bản mệnh, tương sinh và tương khắc, nên có thể thấy gia chủ mạng thủy hợp với kim và mộc, bình hòa với thủy và có tương khắc với thổ và hỏa. Như vậy trong bài trí nội thất sẽ cân nhắc theo tỷ lệ thích hợp, cụ thể là dùng hành tương sinh (kim) như màu trắng và ánh kim loại, đường nét, hình khối tròn. Còn với nhóm hành tương khắc thì sẽ dùng hạn chế hơn, mang tính nhấn nhá điểm xuyết, chứ không phải là “chống chỉ định” hoàn toàn. Ví dụ như dùng vài điểm trang trí có màu đỏ, có góc xéo cho vui mắt (hỏa), hoặc bố trí mảng trần hay tường vuông vức để tạo trọng tâm, hoặc lát gạch có bề mặt thô nhám (thổ). Cách dùng màu này không chia đều các thành phần, mà mang tính chính phụ theo tỷ lệ khác biệt.

 

Hỏi và đáp (0 bình luận)