Thước Tầm là gì? Thước đo trong kiến trúc truyền thống dân tộc

Thước tầm là một sáng tạo tài tình và độc đáo của dân tộc Kinh, thâu tóm những bí mật của một ngôi nhà và là bản thiết kế các công trình kiến trúc truyền thống của dân tộc. Thước tầm được làm từ một cây tre hay cây hóp có đường kính 5 -6 cm, xẻ dọc lấy một nửa để bắt mực. Phải chọn cây tre có số đốt nhiều hơn 12 ứng với 12 trực là: Kiến, trừ, mãn, bình, định, chấp, phá, ngụy, thành, thu, khai, bế và để sao cho đốt cuối cùng vào trực KIẾN là tốt nhất, hoặc vào trực KHAI.
Làm xong nhà, thước tầm được gác lên câu đầu hay thượng lương. Mỗi khi ngôi nhà cần phải sửa chữa bộ phận nào thì lấy thước xuống, đo gỗ làm thay bộ phận đó mà không cần tháo bộ phận đã hông ra để làm mẫu. 
Kích thước các bộ phận cơ bản của bộ khung sườn nhà đều được vạch vào rui mực, rồi lấy đó mà “chọn gỗ bổ mực”. Các ký hiệu gọi là “mối” như “mối thuận”, “mối dầm lòng”, .. Có nơi ghi kích thước chiều dài các cột vào lòng rui mực và mặt cật của rui mực thì ghi chiều dài lòng nhà, khoảng cách các cột, chiều dài mái từ tàu đến nóc, .. Có khi lại dùng hai thước tầm: một ghi các khoảng đứng, một ghi các khoảng ngang. Thợ cả xác định kích thước lên thước tầm, mọi thợ khác cứ theo đó mà đục mộng vào vì kèo. 
Dấu mã trên mặt lưng thước
Dấu mã trên mặt bụng thước
Nhà nào sào ấy” ý nói là mỗi nhà có một cây thước tầm riêng. Trên cây thước tầm có thể tạm chia làm hai phần: phần cứng và phần mềm với những mã quy ước kích thước nhất định. Phần cứng bắt buộc người thợ cả phải tuân thủ và phần mềm để thả lỏng cho người thợ cả bộc lộ khả năng của mình. Phần mềm này tạo ra sự phong phú và biến ảo của thước tầm, đồng thời cũng tạo nên sự ràng buộc chặt chẽ giữa chủ nhà và phường thợ cũng như giữa thợ cả và thợ phụ trong cùng một phường.
  • Phần cứng

Dấu mã trên mặt lưng thước ghi các thông số về độ rộng lòng nhà

Bảng: Dấu mã trên mặt lưng thước

Dấu mã trên mặt bụng thước ghi các thông số về độ cao nhà

Ngoài các mã cơ bản nêu trên thước, còn có thêm một số mã khác. Những mã này không phải là kích thước mà là để phân biệt các phần trong vì. Hình mũi tên ngược, cánh mũi tên có hai đường song song là mã phần cột hiên, mã
hình mỏ neo hay cánh cung là chỉ các chỉ tiết của phần hiên. Mã có hai chữ Hán: chữ “thượng” là chỉ xà thượng, chữ “đại” là chỉ cột cái.
Với 11 thông số phổ biến đủ cho biết kích thước cơ bản của một bộ vì sáu hàng chân cột. Thiếu một trong những thông số trên sẽ không đủ điều kiện để người thợ có thể dựng căn nhà.
Trên hình vẽ minh họa chỉ giới thiệu các dấu mã tương đối phổ biến, nghĩa là các phường thợ có thể dễ dàng hiểu được các kích thước trên ghi bằng các dấu mã theo một quy luật khá thốngnhất.
Đối với một cây thước tầm có ghi đầy đủ những kích thước trên thì được coi là “thước đủ”. Nếu thiếu một vài thông số thì người ta gọi là “thước tắt”.
  • Phần mềm
Phần cứng giữa các phường thợ không khác nhau nhiều, còn phần mềm thì thiên biến vạn hóa, nhưng vẫn theo những quy luật cơ bản như: Thêm bớt chỉ tiết trong một số quy ước, đơn giản hay bay bướm theo cảm quan và tay nghề, … Tăng giảm số lượng các đơn vị mã trên thước tầm, từ 11 tới 17 thông số hoặc nhiều hơn nữa, tùy theo sự cần thận và trình độ tay nghề của thợ cả.
Như vậy, với những quy luật nêu trên, có thể tạo ra nhiều thước tầm khác nhau. Thước tầm, một khi đã dựng, coi như ngôi nhà đó đã được thiết kế.
Hình ảnh Thước Tầm được gác trên nóc nhà gỗ truyền thống Bắc Bộ
< Trích: Lịch sử kiến trúc VN >
Hỏi và đáp (0 bình luận)