Kích thước tủ bếp tiêu chuẩn

Bếp là một không gian luôn được ưu ái trong ngôi nhà ở hiện đại. Bếp cũng là không gian được sử dụng nhiều với sự góp mặt của đông đủ thành viên trong gia đình. Vì vậy bếp thường được chăm chút đầu tư cả công sức và tiền bạc. Bên cạnh hệ thống tủ bếp, thiết bị, vật liệu.. có chất lượng thì một dây chuyền công năng chuẩn, trong đó có kích thước phù hợp là vô cùng quan trọng để có thể thao tác, sử dụng thuận tiện.

Các dạng bố trí mặt bằng bếp
Tùy vào kiến trúc của phòng bếp (và phòng ăn), trong đó có liên quan tới kích thước – diện tích phòng, các diện tường, cửa sổ, cửa đi, hướng tiếp cận, hệ thống kỹ thuật… mà mặt bằng bếp có thể bố trí rất đa dạng như bếp hình chữ I (1 vế), bếp hình chữ L (2 vế), bếp hình chữ U (3 vế), bếp song song (2 vế 2 bên); bếp có kết hợp quầy bar, bếp có kết hợp đảo bếp… Mỗi phương án bố trí đều có những dấu ấn thẩm mỹ khác nhau, nhưng điều quan trọng hơn cả là bếp phải thông thoáng, sạch sẽ và tiện dụng; bởi đây là không gian sử dụng nhiều và có nhiều ý nghĩa vật chất cũng như tinh thần.


Kích thước tủ bếp
Tủ bếp được chia ra làm hai phần, là tủ dưới (kệ bếp) và tủ trên (tủ treo). Cũng có những gian bếp chỉ có tủ dưới, không có tủ trên; nhưng đa phần là có cả hai. Tủ dưới vừa có chức năng cất giữ đồ, vừa tạo thành mặt thao tác cho công tác nấu bếp như nấu ăn, soạn đồ, rửa chén. Tủ trên có chức năng chính là chứa đồ và chứa máy hút mùi cùng hệ thống thoát khí.
* Kích thước tủ dưới
– Chiều rộng (chiều sâu) chuẩn là 600mm. Với kích thước này đảm bảo lắp vừa những thiết bị liên quan tới tủ dưới như bếp nấu, chậu rửa, lò nướng, máy giặt, máy rửa chén. Trong thực tế, tính chuẩn bề mặt là mặt đá phía trên, thường nhô ra khỏi mặt cánh tủ 20mm, nên phần thùng gỗ sẽ có độ sâu là 580mm.
– Chiều cao khá linh hoạt, vì phụ thuộc vào chiều cao người sử dụng. Theo tiêu chuẩn chiều cao cho phép dao động từ 810-900mm. Ở Việt Nam, nếu không có yêu cầu đặc biệt, các nhà thiết kế thường để cao 850mm. Tuy nhiên chiều cao này là không đủ với một số máy rửa chén. Vì vậy, nếu sử dụng máy rửa chén, cần xem kỹ chiều cao máy trước khi ấn định chiều cao cho tủ dưới. Trong trường hợp chưa lắp máy rửa chén hay máy giặt ngay thì tốt nhất nên để chiều cao tối thiểu và khoảng rộng cho máy là 650-700mm. Cần lưu ý kích thước chiều cao tủ dưới rất quan trọng vì đó là mặt thao tác. Có thể chỉ cao thêm một vài cm đã là khó với người này hay thấp đi vài cm lại làm người khác bị còng lưng khi làm bếp, rửa chén.
– Các thiết bị như bếp ga, bếp từ, chậu rửa 2 hố có kích thước trung bình là 700mm nên khoang bếp hay khoang chậu rửa cần thiết kế tối thiểu rộng 750-800mm.
– Nếu sử dụng bếp ga thì nên đặt khoang bình ga cạnh khoang bếp (không nên đặt ngay dưới bếp vì thiếu an toàn và có thể thiếu chiều cao do bếp âm xuống); với chiều rộng khoang tối thiểu 400mm vì bình ga bếp gia đình có đường kính 320mm.
– Phần trống ở tủ dưới cho tủ lạnh thì tùy nhu cầu sử dụng. Nếu dùng tủ 1 cánh loại nhỏ thì chừa rộng cho tủ 650-700mm; còn dùng tủ 1 cánh loại to hay tủ side-by-side thì để tối thiểu 900mm.
– Cần lưu ý các khoang ngăn kéo ở tủ dưới nên để các kích thước cao của mặt ngăn kéo khác nhau để có thể cất được nhiều đồ thích hợp với những chiều cao khác nhau.
* Kích thước tủ trên
– Chiều rộng (chiều sâu) chuẩn là 350mm. Kích thước này cho phép lắp vừa các loại hút mùi âm tủ nằm phía trên bếp nấu. Chiều cao tủ từ 600-800mm; với giá trị trung bình là 700mm. Nếu sử dụng máy hút mùi dạng toa hút bằng kính thì để trống không gắn cánh tủ, còn nếu sử dụng máy hút mùi dạng âm thì phải lắp cánh tủ để che phần ống khói và khoảng cách cánh tủ này phải giật lên so với đáy tủ là 150mm để lộ phần taplo điều khiển. Mặc dù có rất nhiều thương hiệu máy hút mùi bán trên thị trường, nhưng kích thước máy hút mùi chỉ có 3 loại phổ biến là rộng 600, 700 và 900. Do đó khi thiết kế tủ bếp nơi đặt máy hút mùi ta trừ hao mỗi bên 10mm tương ứng với các kích thước 620, 720 và 920 thì việc lắp đặt sẽ dễ dàng hơn.
Riêng tại vị trí tủ lạnh, tủ trên cũng phải giật lên cho chiều cao tủ lạnh. Nếu chưa có tủ lạnh thì nên để khoảng cao 1.800mm từ sàn.
Tủ bếp trên thường chia làm 2 đợt để đồ, chiều cao lọt lòng của mỗi đợt tùy theo vật dụng mà ta để trong đó. Đợt thấp dùng để những đồ vật mà ta sử dụng thường xuyên, còn đợt cao dành cho những đồ vật ít sử dụng.
* Khoảng cách giữa tủ dưới và tủ trên
Cho phép dao động từ 600-700mm tùy chiều cao người sử dụng và chiều cao tủ dưới. Với người Việt Nam hiện nay con số này thường là 600-650mm, tùy theo giải pháp ốp tường giữa tủ trên và dưới. Nếu sử dụng gạch, đá viên ốp thì có thể dùng 2 viên 300 hay 3 viên 200 theo chiều cao, sẽ có khoảng cao là 600mm. Trong trường hợp sử dụng đá ốp len tường ở trên mặt tủ dưới thì có thể cao 650 với chiều cao len đá là 50. Hiện nay kính chịu nhiệt được sử dụng nhiều cho phần ốp đó. Nếu sử dụng vật liệu này thì có thể tùy ý chiều cao, không cần tính chẵn viên như gạch ốp.
* Một số kích thước khác liên quan trong hệ thống tủ bếp
– Chiều cao quầy bar nếu có là 1.150-1.200mm.
– Chiều cao đảo bếp là 800-900mm.
– Chiều cao từ mặt bếp đến đáy máy hút mùi dạng toa là 750.
– Chiều cao đèn thả trên đảo bếp hay bàn ăn: 750mm từ mặt đảo, mặt bàn.
– Chiều cao mặt ghế cách đáy bàn tối thiểu 250 thì ngồi mới thoải mái không bị vướng đầu gối. (Theo chuẩn là bàn cao 750mm, ghế cao 450mm).
– Chiều cao ghế bar từ 750-800mm, chỗ gác chân khi ngồi ghế bar cao 200mm tính từ mặt đất.

 

Kích thước cơ bản của một tủ bếp

Các dạng bố trí mặt bằng bếp

Dây chuyền công năng trong gian bếp
a – Dây chuyền làm việc trong không gian bếp
Đây là một dây chuyền công năng chặt chẽ và khép kín. Vì vậy thiết kế hệ thống tủ bếp và bố trí bàn ăn phải tuân thủ để đảm bảo việc sử dụng, thao tác được tiện lợi.Sơ đồ dây chuyền công năng Dây chuyền công năng trong quy trình nấu bếp như sau:
Lấy đồ từ tủ lạnh (giỏ đi chợ) rửa gia công nấu, chế biến bàn soạn bàn ăn rửa giá để chén đĩa.
b – Tam giác công việc trong bếp
Mặt bằng công năng bố trí bếp là mối liên hệ giữa 3 loại đồ vật, đó là tủ lạnh – bếp nấu – chậu rửa. Nó tạo thành một mắt xích gọi là “tam giác công việc”. Từ không gian này ta có lối đi trực tiếp đến phòng ăn hoặc bàn ăn. Tam giác công việc là khoảng cách mà người sử dụng bếp phải di chuyển giữa bồn rửa, bếp nấu và tủ lạnh. Đường thẳng nối 3 yếu tố này gọi là “tam giác công việc”. Đối với nhà bếp của gia đình thì tổng chiều dài của ba cạnh tam giác từ 5,5m đến 6m. Khoảng cách giữa bồn rửa và bếp nấu tối đa 1,8m đối với các dạng bếp như hình dưới.
Theo hình trên thì ta có cách tính “tam giác công việc” như sau : X + Y + Z < 6m. Dựa vào công thức trên để ta tính toán cho hợp lý khi thiết kế khu nhà bếp.
c – Khoảng cách giao thông trong bếp và khoảng cách đặt thiết bị
Đây là các kích thước tiêu chuẩn để đảm bảo không gian bếp được vận hành thuận tiện. Qua các sơ đồ trên, ta sẽ thấy:
– A: khoảng cách giữa bếp nấu và bồn rửa, khoảng cách này rộng tối thiểu 600mm để khi rửa chén tránh văng nước vào bếp, đồng thời nó cũng là khoảng đệm để ta có thể để các thiết bị đựng thực phẩm như nồi, xoong, thớt… trước khi đặt lên nấu.
– B: khoảng cách giữa tủ lạnh và bồn rửa, khoảng cách này không có quy định nhưng phải đủ diện tích để được rổ rá đựng rau củ, thực phẩm dự trữ từ tủ lạnh ra chuẩn bị lên bồn rửa. Cũng có thể để máy xay sinh tố ở khu vực này.
– C: khoảng cách lối đi từ tường đến cạnh bàn bếp, lối đi giữa 2 bàn bếp hoặc lối đi giữa bàn bếp và bàn bếp đảo ở giữa, hay bàn ăn; khoảng cách này tối thiểu là 900mm để người đứng nấu thao tác được dễ dàng thuận tiện, kích thước chuẩn là 1.200mm để người thứ 2 có thể đi qua sau lưng…
– Lưu ý: Thông thường bồn rửa đặt ở vị trí cửa sổ lấy sáng để cho việc thoát hơi ẩm được tốt, tránh đặt bếp nấu ở vị trí cửa sổ vì gió lùa sẽ gây tắt lửa hoặc lùa khói và bay mùi vào nhà.
– Một điều lưu ý nữa là đối với tủ lạnh 1 cánh thì hướng mở cửa là từ trái qua phải (bản lề bên phải) nên dây chuyền bố trí bếp: “tủ lạnh chậu rửa bếp nấu” sẽ bắt đầu từ phải qua. Vì vậy nếu có thể nên thiết kế theo chiều này.
Trên đây chỉ là tổng hợp những kích thước cơ bản cho một gian bếp nấu trong ngôi nhà hiện đại. Còn rất nhiều kích thước cần phải quan tâm như xoong nồi, chai lọ, đồ hộp, bát đĩa… khi triển khai thiết kế hệ thống gian bếp. Mỗi gia đình có những nhu cầu và đặc thù riêng, chiều cao của người nấu bếp chính; các thiết bị cần phải quan tâm và xử lý phù hợp. Như trên đã nói, những kích thước này là rất quan trọng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự tiện nghi của người dùng và cả sức khỏe. Khi thiết kế cần tổng hợp các thông tin và đưa ra giải pháp phù hợp, cho mỗi ngôi nhà, mỗi gian bếp. Không có chuẩn nào là bất di bất dịch.

Sơ đồ dây chuyền công năng

 

Khoảng cách giao thông và thiết bị

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *